Hiện nay, hành vi lừa đảo ngày càng lan tràn với nhiều hình thức khác nhau và đòi hỏi người dân luôn phải nâng cao cảnh giác. Hôm nay, Bách hóa XANH sẽ hướng dẫn bạn thủ tục trình báo công an khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhé!
1Thủ tục trình báo công an khi bị lừa đảo
Bước 1 Thu thập chứng cứ
Khi muốn trình báo lên cơ quan Công an về vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người bị hại phải đảm bảo có những chứng cứ dưới hình thức như sau:
-
Vật chứng: Công cụ, phượng tiện phạm tội và có mang dấu vết của người phạm tội hoặc có thể giúp giải quyết vụ án lừa đảo.
-
Lời trình bày, lời khai: Có thể là lời trình bày, lời khai của nhân chứng, của người tố giác, người có liên quan đến vụ án, người phạm tội,…
-
Dữ liệu điện tử: Là những chứng cứ từ các phương tiện điện tử như đoạn tin nhắn, quá trình giao dịch qua mạng, qua email,…
-
Kết luận giám định và định giá của tài sản: Là một văn bản do tổ chức, cơ quan giám định kết luận về những vật được yêu cầu giám định như vật chứng, giá của tài sản bị mất…
-
Biên bản trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
-
Kết quả được thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác.
-
Tài liệu, đồ vật khác.
Bước 2 Tố cáo đến cơ quan Công an
Người bị hại có thể tới trụ sở Công an trực tiếp hoặc liên hệ qua số điện thoại, email của cơ quan mang thẩm quyền tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm lừa đảo, trong đó có 2 cơ quan mà người bị hại có thể khởi tố vụ án hình sự thì là Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra.
Bước 3 Công an điều tra vụ án
Sau khi các cơ quan chức năng trên đã đánh giá, xem xét chứng cứ có mang dấu hiệu tội phạm hay không, lúc này công việc chủ yếu sẽ do phía bên công an cũng như cơ quan chức năng đảm nhiệm điều tra, đồng thời có thể cũng cần đến sự hỗ trợ của người làm chứng, người bị hại,…
Bước 4 Viện kiểm sát truy tố bị can
Với chứng cứ đã được điều tra đầy đủ, rõ ràng, hồ sơ của tội phạm lừa đảo sẽ được chuyển sang bên Viện kiểm sát để thực hiện truy tố, sau đó sẽ chuyển hồ sơ sang Tòa án xét xử khi tội phạm lừa đảo có bản cáo trạng.
Bước 5 Tòa án mở phiên tòa xét xử
Quá trình xét xử của Tòa án sau khi nhận được bản cáo trạng từ Viện kiểm sát sẽ diễn ra theo trình tự gồm:
-
Khai mạc phiên tòa xét xử.
-
Bản cáo trạng được công bố.
-
Nghi phạm bị xét hỏi.
-
Lời khai trong quá trình truy tố, điều tra được công bố.
-
Bị cáo và các đương sự có liên quan được hỏi thêm.
-
Các nội dung ghi hình, ghi âm có liên quan được phát.
-
Tiến hành xem xét tại chỗ, sau đó là nghị án, tuyên án và kết thúc phiên tòa.
Ngoài ra, khi đã chính thức kết thúc phiên tòa, bên bị cáo có thể tiến hành kháng cáo trong vòng 15 ngày kể từ lúc Tòa án ban hành bản án. Hết thời gian này, bên đương sự sẽ không có quyền kháng cáo mà phải chấp nhận thi hành bản án.
Bước 6 Thi hành bản án của Tòa án
Ngoài việc phải hoàn trả lại đủ phần tài sản đã lừa đảo và bồi thường thêm cho người bị hại, tội phạm lừa đảo sẽ buộc phải bị phạt tù, lao động công ích,… theo đúng như bản án mà Tòa án xét xử đã ban hành.
Bên cạnh đó, nếu trong trường hợp tội phạm không đủ khả năng để bồi thường cho người bị hại ở thời điểm đó, cơ quan chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế tài sản theo các hình thức như:
-
Khấu trừ tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc xử lý, thu hồi các giấy tờ có giá trị của người thi hành án phạt.
-
Trừ vào mức thu nhập hằng tháng của người thi hành án phạt.
-
Xử lý tài sản của người thi hành án phạt, kể cả khi tài sản đó đang do một bên thứ ba khác giữ.
-
Người thi hành án buộc phải chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ,…
-
Người thi hành án buộc phải thực hiện hay không thực hiện một số công việc nhất định.
2Mức phạt đối với hành vi lừa đảo
Trường hợp phạt hành chính
Nếu hành vi lừa đảo chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, mức phạt hành chính của hành vi lừa đảo hòng chiếm đoạt tài sản sẽ là hình thức phạt tiền với khoảng đóng dao động từ 1 – 2 triệu đồng.
Trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo điều 174 trong Bộ luật Hình sự 2015 và được sửa đổi bổ sung vào năm 2017, mức phạt về tội lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của người khác có nội dung được quy định như sau:
Nếu tài sản chiếm đoạt có trị giá từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu nhưng thuộc các trường hợp như từng bị xử phạt hành chính về hành vi lừa đảo; tài sản lừa đảo là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại;… thì mức phạt sẽ là cải tạo không giam đến 3 năm hay phạt tù từ 6 tháng – 3 năm.
Nếu hành vi phạm tội có tổ chức; mang tính chất chuyên nghiệp; thủ đoạn xảo quyệt; có yếu tố lợi dụng quyền hạn, chức vụ, danh nghĩa của tổ chức, cơ quan; là sự tái phạm nguy hiểm hoặc trị giá tài sản chiếm đoạt từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng thì mức phạt sẽ là phạt tù từ 2 – 7 năm.
Nếu trị giá tài sản chiếm đoạt từ 200 đến dưới 500 triệu đồng hoặc có yếu tố lợi dụng dịch bệnh, thiên tai thì mức phạt sẽ là phạt tù từ 7 – 15 năm.
Nếu trị giá tài sản chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên hoặc có yếu tố lợi dụng tình trạng khẩn cấp, hoàn cảnh chiến tranh thì mức phạt sẽ sẽ là phạt từ từ 12 – 20 năm hay tù chung thân.
Ngoài ra, tội phạm lừa đảo có thể sẽ bị phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng, đồng thời cấm hành nghề, làm việc, đảm nhiệm chức vụ từ 1 – 5 năm hoặc tịch thu một phần hay thậm chí là toàn bộ tài sản.
3Mẫu đơn trình báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
一一一一一一
…, ngày… tháng… năm…
ĐƠN TRÌNH BÁO
Kính gửi: – Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an quận/huyện
– Viện kiểm sát nhân dân quận/huyện
Tôi tên là: … Sinh ngày: …
Chứng minh nhân dân số: …
Ngày cấp: … Nơi cấp: … Công an tỉnh: …
Hộ khẩu thường trú: …
Chỗ ở hiện tại: …
Tôi làm đơn này xin trình báo với cơ quan công an vụ việc như sau:
Thứ nhất: …
Thứ hai: …
Từ những hành vi nêu trên, có thể khẳng định ông/bà…đã dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của tôi với số tiền là…
Tôi cho rằng hành vi này của ông/bà …có dấu hiệu phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tôi, tôi kính mong quý cơ quan có biện pháp ngăn chặn và và xử lý những hành vi của ông/bà…
Nay tôi viết đơn xin trình báo này mong quý cơ quan xem xét những vấn đề sau:
Xác minh và khởi tố vụ án hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử ông/bà … về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Buộc ông/bà … phải trả lại số tiền cho tôi.
Tôi xin cam kết toàn bộ nội dung đã trình bày trên là hoàn toàn đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những điều trình bày trên.
Kính mong cơ quan có thẩm quyền xem xét và giải quyết.
Xin chân thành cảm ơn!
Tài liệu đính kèm (tương tự). Người trình báo
(Ký và ghi rõ họ tên)
4Lưu ý khi soạn đơn tố cáo trình báo
Khi soạn đơn tố cáo hay đơn trình báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bạn cần phải lưu ý các điều sau:
-
Người trình báo, tố cáo phải ghi rõ ràng, đầy đủ các thông tin cơ bản của mình cách chính xác, trung thực.
-
Người trình báo, tố cáo phải ghi đầy đủ các thông tin cơ bản của người có hành vi lừa đảo trong đơn.
-
Các tình tiết sự việc khai trong đơn phải được trình bày cụ thể, rõ ràng, khách quan và đảm bảo tính đúng đắn, chân thực.
5Đường dây nóng trình báo khi bị lừa đảo qua mạng
Khi cần phải trình báo với các cơ quan có thẩm quyền về việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bên cạnh việc đến trực tiếp cơ quan thì bạn có thể thông qua các đường dây nóng sau:
-
Đường dây nóng của Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Cục cảnh sát Hình sự: 0692194053.
-
Địa chỉ website cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam: Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam
-
Đối với người dân cư trú tại Thành phố Hồ Chí Minh, người dân có thể liên hệ đến đường dây nóng 0838640508 để trình báo về hành vi chiếm đoạt, lừa đảo tài sản qua trang mạng điện tử.