Tài sản đảm bảo là gì? Hồ sơ về tài sản đảm bảo cho khoản vay gồm những gì? Tìm hiểu quy định về thu giữ, xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ vay?
Tài sản đảm bảo thường được nhắc đến như là tài sản thế chấp cho một khoản vay, tài sản cầm cố, ký cược… Tìm hiểu các loại tài sản bảo đảm và cách xử lý khi người vay không thể trả nợ.
Tài sản đảm bảo là gì?
Tài sản đảm bảo là tài sản được sử dụng để bảo đảm nghĩa vụ tài chính hoặc hợp đồng, chẳng hạn như một khoản vay, đặt cọc, cầm cố, ký cược. ký quỹ, tín chấp và cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh…
Tài sản đảm bảo được sử dụng để đảm bảo nghĩa vụ tài chính
Ví dụ: Khi bạn vay tiền từ ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng, tài sản đảm bảo đóng vai trò như một “lời cam kết” giữa bạn và bên cho vay. Nếu bạn không thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ, bên cho vay có quyền sử dụng tài sản này để thu hồi số tiền đã cho vay.
Mặc dù pháp luật không định nghĩa cụ thể về tài sản đảm bảo, nhưng bạn có thể một cách đơn giản đây là loại tài sản được cá nhân hoặc tổ chức dùng để bảo đảm cho các nghĩa vụ, giao kết trong giao dịch sẽ diễn ra đúng như cam kết.
Tài sản bảo đảm gồm những hình thức nào?
Theo Điều 8 Nghị định 21/2021/NĐ-CP thì tài sản bảo đảm có thể là tài sản đang hiện hữu hoặc sẽ được hình thành trong tương lai (trừ trường hợp bị cấm mua bán, chuyển nhượng…), tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu.
Tại Việt Nam, các hình thức đảm bảo phổ biến trong giao dịch tài chính và hợp đồng thường có 3 loại:
Tài sản thế chấp
Đây là loại tài sản phổ biến nhất, bao gồm bất động sản (nhà ở, đất đai, công trình), quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất. Những loại tài sản này có giá trị cao và tính thanh khoản tốt nên thường được dùng để bảo đảm cho khoản vay và các giao dịch tài chính.
Tài sản cầm cố
Tài sản cầm cố bao gồm ngoại tệ, vàng, bạc, đá quý và các kim loại quý khác (dưới dạng thỏi, cục, bột, viên, tấm hoặc miếng; trang sức). Những tài sản này có giá trị cao, dễ vận chuyển và bảo đảm nên cũng khá phổ biến trong các giao dịch cầm cố.
Tài sản đảm bảo khác
Ngoài ra, tài sản bảo đảm còn có thể là hàng hóa, kho hàng, quyền sở hữu tài sản trí tuệ, cổ phiếu, trái phiếu, giấy phép kinh doanh… Các doanh nghiệp thường vay theo giấy phép kinh doanh để có nguồn vốn kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Luật pháp quy định thế nào về tài sản đảm bảo?
Tài sản được dùng để đảm bảo cho giao dịch tài chính cần tuân thủ quy định tại Điều 295 của Bộ luật Dân sự năm 2015, nhằm đảo bảo các giao dịch có tài sản bảo đảm được thực hiện hợp pháp, rõ ràng, minh bạch và bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia. Quy định bao gồm:
Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm
– Bên bảo đảm phải có quyền sở hữu hợp pháp với tài sản được dùng để cầm cố, thế chấp.
– Tài sản bảo đảm phải được mô tả đủ thông tin để xác định rõ ràng, chính xác và ghi nhận vào hợp đồng.
– Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có tại thời điểm giao dịch hoặc sẽ được hình thành trong tương lai.
– Giá trị của tài sản bảo đảm có thể bằng, lớn hơn hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.
Quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong giao dịch có tài sản bảo đảm
Đối với bên đảm bảo
Bên đảm bảo có quyền sử dụng tài sản đảm bảo trong phạm vi được phép và theo các điều kiện đã thỏa thuận với bên cho vay, được nhận lại tài sản sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính và có quyền yêu cầu bên nhận tài sản bảo đảm phải bồi thường nếu gây thiệt hại cho tài sản.
Bên đảm bảo có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin về tài sản, bảo quản tài sản đảm bảo một cách cẩn thận, không để xảy ra tổn thất đối với tài sản, phải thông báo kịp thời cho bên cho vay về mọi thay đổi có thể ảnh hưởng đến giá trị của tài sản, không được sử dụng tài sản đảm bảo cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài mục đích đã cam kết trong hợp đồng với bên cho vay.
Tài sản đảm bảo phải được bảo quản cẩn thận và đúng cách
Đối với bên nhận đảm bảo
Bên nhận đảm bảo được giữ quyền sở hữu đối với tài sản đảm bảo cho đến khi nghĩa vụ tài chính được hoàn thành. Nếu bên vay không trả nợ theo thỏa thuận, bên nhận bảo đảm có quyền bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Nếu tài sản bảo đảm phát sinh lãi suất thì bên nhận đảm bảo sẽ được hưởng lãi suất đó.
Bên nhận bảo đảm có nghĩa vụ bảo quản tài sản cẩn thận và đúng cách, bao gồm: Giữ cho tài sản trong tình trạng tốt, bảo dưỡng, bảo vệ tài sản khỏi hư hỏng hoặc mất mát. Nếu gây thiệt hại cho tài sản đảm bảo, họ có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bên vay. Sau khi nghĩa vụ tài chính được hoàn thành, bên nhận bảo đảm phải trao trả tài sản trong tình trạng tốt nhất có thể.
Rủi ro khi dùng tài sản đảm bảo trong các giao dịch
Rủi ro lớn nhất khi dùng tài sản đảm bảo cho giao dịch là sự suy giảm giá trị của tài sản theo thời gian. Sự mất giá trị này có thể do hao mòn tự nhiên hoặc biến động của thị trường.
Bên cạnh đó, rủi ro còn đến từ pháp lý nếu tài sản đảm bảo không rõ ràng về quyền sở hữu hoặc đang bị tranh chấp.
Để giảm thiểu rủi ro, bên nhận tài sản đảm bảo cần thẩm định kỹ giá trị và chỉ chấp nhận những tài sản có giá trị ổn định, pháp lý rõ ràng.
Ví dụ: Thông thường, khi thế chấp một căn nhà để vay vốn, ngân hàng sẽ thẩm định giá căn nhà và cho vay tối đa 80% giá trị nhà. Giá được thẩm định thường sẽ thấp hơn một chút so với giá thị trường. Điều này nhằm giảm trừ rủi ro nhà bị mất giá trong tương lai.
Bên nhận tài sản đảm bảo cần theo dõi sát sao thị trường, kiểm tra định kỳ tình trạng của tài sản. Các hợp đồng vay vốn, cầm cố, ký cược… cần được thiết lập chặt chẽ, quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các bên, đồng thời có các biện pháp giải quyết khi xảy ra tranh chấp.
Pháp luật quy định thế nào về xử lý tài sản bảo đảm?
Việc xử lý tài sản bảo đảm cần tuân theo điều 299 Bộ luật Dân sự 2015. Tài sản đảm bảo sẽ bị xử lý trong những trường hợp sau:
- Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được nhưng bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng như cam kết. (VD: Không trả được nợ, không trả hết nợ…)
- Bên có trách nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
- Trường hợp khác do luật quy định hoặc các bên tự thỏa thuận.
Vử lý tài sản bảo đảm phải tuân theo quy định của luật pháp
Những cách xử lý tài sản cầm cố, thế chấp bao gồm 3 cách sau hoặc tự thỏa thuận phương thức, trừ trường hợp luật có quy định khác:
- Bán đấu giá
- Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản
- Bên nhận bảo đảm nhận tài sản đó thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
Ví dụ: Anh A dùng sổ đỏ nhà làm tài sản đảm bảo để vay 100 triệu, nếu anh A không trả được nợ (bao gồm gốc và lãi) đúng như cam kết trong hợp đồng vay vốn hoặc vi phạm hợp đồng thì bên cho vay có quyền yêu cầu anh A tự bán căn nhà để lấy tiền trả hoặc sang tên nhà cho bên cho vay.
Hy vọng bài viết TOPI cung cấp có thể giúp bạn hiểu tài sản đảm bảo là gì, gồm những loại tài sản nào và sẽ bị xử lý ra sao khi bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng giao kết trong hợp đồng. Hãy theo dõi chúng tôi để biết thêm những thông tin hữu ích về tài chính nhé!
Nguồn: Topi