Số dư tài khoản thường bị nhầm với số dư khả dụng. Phân biệt số dư tài khoản và số dư khả dụng và hướng dẫn cách tra số dư tài khoản ngân hàng.
Số dư tài khoản không chỉ là con số hiển thị mà còn là “tấm gương” phản ánh tình hình tài chính của bạn. Để hiểu rõ về cách nó hoạt động và ảnh hưởng ra sao đến các giao dịch hàng ngày, chúng ta sẽ tìm hiểu về khái niệm số dư tài khoản là gì, phân biệt với số dư khả dụng và cách tra cứu số dư cũng như những thắc mắc liên quan.
Số dư tài khoản là gì?
Số dư tài khoản (Account Balance) là số tiền đang có trong tài khoản ngân hàng, tài khoản tiết kiệm hay tài khoản trong thẻ ATM. Đây là số tiền bạn thực có trong tài khoản của mình mà chưa trừ đi các khoản tiền phong tỏa hay số dư tối thiểu cần để duy trì tài khoản.
Số dư tài khoản thường hiển thị trong app hoặc gửi thông báo về điện thoại sau mỗi giao dịch nếu bạn đăng ký SMS Banking.
Số dư tài khoản hiển thị trong app của ngân hàng
Số dư khả dụng là gì?
Số dư khả dụng (Available Account) là số tiền mà chủ tài khoản có thể sử dụng (chuyển tiền, rút tiền, thanh toán hóa đơn…) vào bất cứ khi nào. Số dư khả dụng thường bằng hoặc thấp hơn số dư tài khoản.
Ví dụ: Số dư tài khoản của bạn là 5.050.000đ thì số dư khả dụng là 5.000.000đ do phải để 50.000đ duy trì tài khoản. Đối với ngân hàng không yêu cầu duy trì số dư tài khoản thì số dư khả dụng có thể bằng số dư trên tài khoản.
Cách tính số dư khả dụng:
Số dư khả dụng = Số dư tài khoản + Hạn mức thấu chi (nếu có) – Số tiền phong tỏa (nếu có) – Số dư tối thiểu duy trì tài khoản theo quy định của ngân hàng. Đây là số tiền tối thiểu khách hàng phải nộp ngay khi mở tài khoản và phải duy trì trong suốt quá trình sử dụng.
Phân biệt số dư tài khoản và số dư khả dụng
Số dư tài khoản và số dư khả dụng phải tuân thủ theo quy định của từng ngân hàng hay nói cách khác, số tiền sẵn có trong tài khoản và số tiền bạn có thể sử dụng phụ thuộc vào ngân hàng nơi bạn mở tài khoản.
Có thể xem số dư tài khoản trong tin nhắn nếu đăng ký SMS Banking
Có ngân hàng yêu cầu khách phải duy trì tối thiểu 50.000đ trong tài khoản, có ngân hàng lại yêu cầu duy trì tối thiểu 100.000đ nhưng có ngân hàng lại cho phép rút/chi tiêu hết số tiền có trong tài khoản.
Đặc điểm |
Số dư tài khoản |
Số dư khả dụng |
Định nghĩa |
Tổng số tiền trong tài khoản |
Số tiền có thể sử dụng ngay |
Khả năng sử dụng |
Không thể sử dụng toàn bộ |
Có thể sử dụng ngay lập tức |
Bao gồm tiền phong tỏa |
Có |
Không |
Cập nhật |
Hàng ngày |
Hàng ngày |
Mục đích hiển thị |
Tổng số tiền trong tài khoản |
Số tiền sẵn sàng sử dụng |
Do đó, khi mở tài khoản, bạn cần tìm hiểu kỹ về quy định của từng ngân hàng để duy trì số dư tối thiểu theo quy định phù hợp với nhu cầu sử dụng số tiền trong tài khoản.
Hướng dẫn cách kiểm tra số dư tài khoản ngân hàng
Có 4 cách kiểm tra số tiền có trong tài khoản. Nếu bạn đang băn khoăn tài khoản của mình còn bao nhiêu tiền, có thể áp dụng những cách sau:
Cách kiểm tra số dư tài khoản tại cây ATM
Bên cạnh đó, bạn có thể mang thẻ đến các cây ATM trên toàn quốc để tra cứu bất kỳ lúc nào. Sau khi cho thẻ vào khe cắm, bạn nhập mã PIN và chọn “Sao kê tài khoản” để xem số tiền hiện có trong tài khoản. Khi tra cứu xong, bạn nhấn Thoát khỏi giao dịch để kết thúc và nhận lại thẻ.
Bạn có thể tra cứu số tiền còn trong tài khoản tại máy ATM
Cách kiểm tra số dư tài khoản tại ngân hàng
Một cách khác để kiểm tra số tiền có trong tài khoản là bạn mang theo CMND/CCCD để phòng giao dịch của ngân hàng để yêu cầu tra số dư tài khoản. Tuy nhiên, cách này khá mất thời gian, đồng thời phải đem theo giấy tờ tùy thân nên ít người áp dụng.
Kiểm tra số dư tài khoản bằng cách gọi hotline ngân hàng
Bạn cũng có thể gọi điện đến tổng đài/hotline của ngân hàng để nhờ tra cứu số dư tài khoản. Tổng đài viên sẽ yêu cầu bạn cung cấp họ tên, số CMND/CCCD, số tài khoản để xác minh thông tin khách hàng. Khi đã xác nhận đúng chủ tài khoản, tổng đài viên sẽ đọc cho bạn số dư hiện tại.
Cách tra cứu số dư tài khoản qua Internet Banking/ Mobile Banking
Đây là cách tiện lợi nhất và hiện được nhiều người áp dụng nhất. Để kiểm tra số dư tài khoản online, bạn cần tải app của ngân hàng về, đăng ký tài khoản và đăng nhập.
Lúc này, số dư tài khoản được hiển thị ngay đầu trang chủ của app.
Một số ngân hàng ẩn số dư tài khoản để đảm bảo bảo mật của khách hàng, bạn cần nhấn vào hình con mắt để số dư hiện lên.
Tra cứu số dư trong app ngân hàng tiện lợi nhất
Câu hỏi thường gặp liên quan đến số dư trong tài khoản
Số dư tài khoản dưới 50k có được không?
Đối với ngân hàng không yêu cầu duy trì số dư tối thiểu, bạn có thể rút hết số tiền có trong tài khoản, do đó có thể để số dư tài khoản dưới 50.000đ được.
Khách hàng có thể rút hết tiền ở số dư tài khoản không?
Có, nếu ngân hàng không yêu cầu bắt buộc phải duy trì số dư tối thiểu. Nếu số dư tài khoản bằng 0đ mà khách hàng không thực hiện bất cứ giao dịch nào trong khoảng thời gian quy định (từ 1 – 3 năm) thì tài khoản sẽ bị khóa.
Bên cạnh đó, khách hàng có nhu cầu rút toàn bộ số tiền đang gửi trong tài khoản ngân hàng sau đó đóng tài khoản, thẻ, khách hàng sẽ được rút hết số dư tài khoản.
Số dư khả dụng có bị âm không?
Số dư khả dụng đôi khi có thể bị âm (số dư tài khoản thấp hơn số dư tối thiểu) là do số tiền bị phong tỏa nhiều hơn hoặc bằng số dư có trong tài khoản + Hạn mức thấu chi (nếu có) – Số dư tối thiểu. Một số nguyên nhân có thể như:
- Chủ tài khoản yêu cầu ngân hàng tạm khóa tài khoản hoặc phong tỏa số tiền
- Có sai sót của phía ngân hàng trong việc thực hiện giao dịch của khách.
- Tài khoản của khách hàng có dấu hiệu gian lận, phạm pháp.
- Khi có tranh chấp về tài khoản chung giữa các chủ tài khoản.
- Cơ quan pháp luật (cơ quan Thuế, Tòa án, Viện Kiểm soát) yêu cầu ngân hàng tạm khóa tài khoản.
Nếu phát hiện số dư khả dụng bị âm, bạn hãy liên hệ với phía ngân hàng để làm rõ nguyên nhân cũng như cách giải quyết.
Liên hệ ngay với ngân hàng khi số dư tài khoản bất thường
Số dư tài khoản bằng 0đ thì bao lâu tài khoản sẽ bị khóa?
Nếu số dư tài khoản bằng 0đ nhưng tài khoản vẫn hoạt động hàng tháng thì sẽ không bị khóa nhưng chủ tài khoản vẫn phải trả phí duy trì tài khoản, phí thường niên thẻ ATM (nếu có) và phí dịch vụ SMS Banking, InternetBanking (nếu có đăng ký). Số tiền này sẽ được khấu trừ ngay khi có khoản tiền gửi vào tài khoản.
Số dư tài khoản bằng 0đ và tài khoản không hoạt động liên tục từ 6 – 12 tháng sẽ bị khóa, tùy theo quy định của từng ngân hàng.
Qua thông tin TOPI chia sẻ, chắc hẳn bạn đã hiểu số dư tài khoản là gì và nó khác thế nào so với số dư khả dụng cũng như biết được cách tra cứu số dư tài khoản nhanh nhất. Nếu phát hiện số dư tài khoản bất thường hoặc bị trừ không rõ nguyên nhân, hãy liên hệ ngay với ngân hàng để được giải đáp.
Nguồn: Topi