Chào mọi người mình năm nay 32 tuổi đang có thu nhập 1 năm khoảng 370 triệu đồng cần được TOPI tư vấn một số vấn đề sau:
Bảo hiểm
Vì sợ sức khỏe có vấn đề nên mình đã mua bảo hiểm từ sớm nhưng do không tính toán kỹ nên mình đã mua bảo hiểm 3 nơi khác nhau với những mục đích khác nhau:
1. AIA bảo hiểm ung thư, mua vì phòng ngừa bệnh
2. Prudential bảo hiểm kết hợp đầu tư, vì prudential có 1 số quỹ đầu tư và cho phép đầu tư thêm nhiều ngoài phí đóng hằng năm. Thời điểm mình mua 6 năm trước thì không quá rầm rộ về đầu tư cá nhân nên mình không có nhiều kiến thức và loại hình bảo hiểm này thu hút mình.
3. FWD bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, mua thêm sau này vì có thêm các loại bệnh để bảo vệ
Câu hỏi:
– Với tổng mức phí đóng 52tr/năm so với tổng thu nhập 370tr thì tỷ lệ bảo hiểm có đang chiếm quá nhiều không? Mình không muốn bỏ vì cũng đóng đã đóng 6 năm rồi nhưng mong muốn biết tỉ lệ hợp lý để có thể tư vấn hỗ trợ mọi người xung quanh.
– Quỹ đầu tư của công ty bảo hiểm thì có thật sự tốt không vì không có báo cáo nào so sánh quỹ đầu tư của công ty bảo hiểm và công ty quỹ đầu tư để có thể đầu tư thêm trong quỹ đầu tư của prudential hay tiếp tục mua ccq của Vinacapital/VNDirect/DragonCapital.
Chứng chỉ quỹ
Hiện mình mua chứng chỉ quỹ của Vinacapital (VESAF, VFF, VEOF, VIBF), VNdirect (VNDAF, VNDBF), DragonCapital (DCDE), vì mua CCQ hàng tháng khoảng 500k -1tr mỗi loại. Việc đa dạng hóa danh sách CCQ như thế có tốt không? Và làm cách nào để tối ưu hóa và chọn CCQ tốt để mua hàng tháng như vậy?
Mua nhà
Nếu sau khi trả xong các khoản nợ đến 10/2024 thì 2025 việc xem xét mua nhà thì có khả thi không? Và với mức giá thế nào thì sẽ ổn thỏa khi luật đất đai sắp ban hành thì có dẫn đến biến động giá năm 2025 hay nên tranh thủ mua trong 2024?
Cổ phiếu
Hiện cổ phiếu mình chỉ mua bán ngắn hạn để kiếm tiền cafe vì mình thỉnh thoảng vẫn bị FOMO nên mình không dám bỏ nhiều tiền vào, mua 1 vài mã và giữ khoảng 1-2 tháng và chốt lời tầm 5-10%. Việc đầu tư như vậy nó có đúng không hay nên thay đổi tư tưởng đầu tư thế nào? Làm thế nào để xác định mức chốt lời 5-10% này là đúng mà không phải cắt lời do FOMO?
Bản thân mình cũng muốn đầu tư sinh lời cao nhưng do không có khả năng phân tích giỏi dù rằng từng học kinh tế tài chính nên mình chọn những thứ khá an toàn là chứng chỉ quỹ và bảo hiểm và thấy chiếm tỷ lệ khá cao. Với những thông tin trên thì có cần gia giảm tỉ lệ hay có 1 sản phẩm đầu tư nào mà mình có thể xem xét tìm hiểu thêm không? Xin cảm ơn
Trả lời: Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi về cho TOPI Confession. Sau đây là một số lời khuyên từ chuyên gia của TOPI dành cho trường hợp của chị:
Nhận định chung: Dòng tiền hiện nay của chị đang khá yếu, thu nhập phụ thuộc chính vào thu nhập thường xuyên và không có dòng tiền từ đầu tư tài chính. Gia tốc đầu tư ở mức 11% – hiện đang ở mức thấp. Trong vòng một năm tới, sau khi thanh toán khoản nợ bất động sản đất nền, dòng tiền của chị sẽ được cải thiện hơn. Dòng tiền thuần hàng năm là 144 triệu đồng, gia tốc đầu tăng lên mức 39%. Chị cần ưu tiên gia tăng thu nhập để cải thiện dòng tiền hiện tại.
Khuyến nghị từ chuyên gia:
1. Nhận xét về tài sản
- Tài sản ròng hiện nay của chị là 950 triệu đồng, đã có khoản dự phòng (5 tháng chi phí sinh hoạt). Chiếm tỷ trọng lớn nhất là tài sản tiêu dùng (34%), tài sản đầu tư tài chính (44%). Tài sản của chị đang chưa tạo ra dòng tiền.
- Phần kinh doanh cổ phiếu 60 triệu đồng, chị cần cân nhắc một số vấn đề:
– Kiến thức và kinh nghiệm đầu tư.
– Thời gian dành cho thị trường chứng khoán
– Xác định hạn mức lỗ tối đa của danh mục. - Về kế hoạch mua nhà, chị cần xác định một số vấn đề sau:
– Giá trị căn nhà định mua
– Vốn tự có và vốn vay là bao nhiêu
– Áp lực dòng tiền trả lãi vay các năm tới.
Theo đề xuất của chuyên gia thì hiện tại khách hàng cần tập trung tăng thu nhập, xây dựng danh mục đầu tư tài chính. Nếu dòng tiền thường xuyên hàng năm tăng lên có thể xây dựng một quỹ mua nhà (để dưới dạng tích lũy) riêng.
2. Danh mục đầu tư tài chính
Danh mục hiện tại của chị chủ yếu là Chứng chỉ quỹ Cổ phiếu (71%), Vàng (29%). Với danh mục như hiện tại thì mức sinh lời trung bình trong 03 năm qua là 12,56% (theo dữ liệu từ AFA Capital).
Tuy nhiên với hồ sơ rủi ro Thận trọng vừa phải thì chị cân nhắc đa dạng danh mục đầu tư thêm các lớp tài sản tích lũy và Chứng chỉ quỹ Trái phiếu với tỷ trọng:
- Tích lũy: 35%
- CCQ trái phiếu: 15%
- Cổ phiếu: 35%
- Vàng: 15%
Lợi nhuận trung bình 10,38%.
Với độ tuổi hiện tại của chị, có thể giảm bớt tỷ trọng Tích lũy xuống còn 20% và Chứng chỉ quỹ Cổ phiếu lên 50%. Mức lợi nhuận trung bình sẽ khoảng 11,16%.
Lưu ý: Đây là mức lợi nhuận tối thiểu, chị có thể cơ cấu danh mục lại vào các thời điểm biến động để tối ưu hiệu suất đầu tư bằng cách phân bổ dòng tiền tăng thêm hàng tháng vào Tích lũy và Chứng chỉ quỹ Trái phiếu.
3. Về mục tiêu độc lập tài chính
Với giả định chi phí sinh hoạt 226 triệu hiện tại của chị là chi phí cơ bản thì để đạt mức Độc lập tài chính, chị cần xây dựng danh mục đầu tư từ 420 triệu đồng lên 2,8 tỷ đồng (đến năm 34 tuổi).
TOPI Confession – Tâm sự tài chính: Chương trình chuyên tư vấn và giải đáp cho khách hàng về các vấn đề liên quan đến đầu tư và tài chính cá nhân. Với các chuyên gia tài chính dày dặn kinh nghiệm, TOPI luôn sẵn sàng lắng nghe và tư vấn cho bạn những giải pháp phù hợp nhất với tình hình tài chính của bạn. Tham gia chương trình hoàn toàn miễn phí và TOPI cũng cam kết bảo mật toàn bộ các thông tin bạn cung cấp và chỉ để phục vụ cho nội dung tư vấn. Chia sẻ câu chuyện hoặc tình huống tài chính cá nhân mà bạn cần được tư vấn tại đây: https://forms.gle/W8PSgofu4daSzTYM6 Tổng hợp khuyến nghị của chuyên gia về các tình huống tài chính cá nhân: https://topi.vn/topi-academy |
Nguồn: Topi